Sự lan tỏa của cà phê Việt Nam ra thế giới
Theo trang Washington Post, trong nhiều thập kỷ qua, thế giới cà phê xoay quanh một ngôi sao duy nhất là hạt cà phê arabica. Loại hạt này cần thiết phải chế biến cẩn thận nhưng gần đây, các thách thức của biến đổi khí hậu đã làm giảm đi năng suất đáng kể. Loại cà phê arabica thường nhạy cảm trước sự dao động của nhiệt độ và đối mặt với viễn cảnh mờ mịt trong một thế giới nóng lên. Trong khi đó, loại cà phê robusta lại có thể phát triển mạnh mẽ trong điều kiện khắc nghiệt.
Dữ liệu của chính phủ cho biết Việt Nam đóng góp hơn 1/2 nguồn cung cà phê mạnh mẽ trên thế giới và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nỗ lực giải cứu cà phê khỏi các tác động của biến đổi khí hậu. Các nhà khoa khẳng định cà phê robusta thường được trồng trên những ngọn đồi thoai thoải ở Tây Nguyên của Việt Nam, có khả năng phục hồi tốt hơn và cho năng suất cao hơn so với những nơi khác trên thế giới.
“Loại cà phê arabica giờ đây không còn đủ sức để đáp ứng khẩu vị đa dạng của những tín đồ cà phê trên thế giới. Và cà phê robusta của Việt Nam hiện đang vươn lên là số một thế giới”, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê và Ca cao Việt Nam cho biết trong một buổi chiều gần đây tại một khu phố đông đúc các quán cà phê thời thượng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Định hướng chuyển sang trồng cà phê robusta là thực sự cần thiết trong bối cảnh thế giới chịu cảnh hưởng lớn bởi hiện tượng biến đổi khí hậu. Vào năm 2021, tình trạng sương giá nghiêm trọng ở Brazil đã gây thiệt hại tới 200.000 ha diện tích trồng chủ yếu là cà phê arabica và phải mất nhiều năm Brazil mới có thể khắc phục được tình trạng này. Những cơn bão liên tiếp đã tàn phá những cánh đồng cà phê arabica ở Hondurus trong khi những thay đổi khó lường về lượng mưa đã ảnh hưởng lớn đến những người nông dân trồng cà phê ở Columbia.